Quy hoạch xây dựng luôn song hành cùng quy hoạch đô thị, và quy hoạch xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị để cùng phát triển kinh tế – xã hội và các lĩnh vực khác liên quan.
Vậy quy hoạch xây dựng là gì? Hiện trạng của công tác quy hoạch xây dựng ở Việt Nam như thế nào? Có những giải pháp gì để khắc phục được những yếu điểm còn tồn tại?
Hãy cùng YouHomes tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Quy hoạch xây dựng và vai trò của quy hoạch xây dựng
Quy hoạch xây dựng (QHXD) là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
QHXD có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội.
QHXD có vai trò rất quan trọng trong đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. QHXD tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, là cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học và công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
QHXD là cơ sở tạo lập môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững, thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
QHXD là căn cứ quan trọng cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng; quản lý khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Vì thế, QHXD phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan, quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch chi tiết xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, bảo đảm quốc phòng – an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Những thành tựu và hạn chế của công tác quy hoạch xây dựng hiện nay
Theo pháp luật hiện hành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành được triển khai theo quy định của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ; công tác QHXD, quy hoạch đô thị được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến công tác quy hoạch như Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về QHXD, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của các nghị định này.
Theo đó đã chỉ ra được những thành tựu và hạn chế hiện có trong công tác QHXD.
Thành tựu của công tác quy hoạch xây dựng
Các quy hoạch kinh tế – xã hội của các vùng lãnh thổ và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của 63 tỉnh thành trong cả nước đến nay đã hoàn thành về cơ bản.
Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 đã bổ sung 115 KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và 27 KCN dự kiến mở rộng; mục tiêu đưa tỷ lệ đóng góp của các KCN vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp từ trên 24% năm 2006 lên 39-40% vào năm 2010 và tới trên 60% vào giai đoạn tiếp theo; nâng tổng diện tích các KCN đến năm 2010 lên 45.000 ha – 50.000 ha, năm 2015 lên 65.000 ha – 70.000 ha; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân trên toàn quốc trên 60%.
Tính đến 31/12/2010, cả nước đã quy hoạch và triển khai ĐTXD 28 khu kinh tế cửa khẩu, 15 khu kinh tế biển, khoảng trên 250 KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Số lượng đô thị tại Việt Nam ngày càng tăng cao.
Tính đến 31/12/2010, toàn quốc có 755 đô thị gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV, 634 đô thị loại V. Số đô thị có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt chiếm tỷ lệ 93%, trong đó có 100% đô thị từ loại IV (thị xã) trở lên đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Tỷ lệ QHXD chi tiết được phê duyệt khoảng 45%. Các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị mới đã được triển khai trên địa bàn của 45/63 tỉnh, thành phố.
Đến 31/12/2010, cả nước có 633 dự án khu đô thị mới với tổng diện tích khoảng 103.234 ha, tập trung chủ yếu tại các đô thị từ loại III cho tới đô thị loại đặc biệt; trong số đó có 86 khu đô thị mới (13,6%) có quy mô trên 200 ha (với 18 khu đô thị mới có quy mô trên dưới 1.000 ha); có 288 khu đô thị mới (45,5%) có quy mô từ 50-200 ha, 259 khu đô thị mới có quy mô từ 20-50 ha. Ngoài ra, còn có hàng ngàn các khu vực xây dựng dưới dạng ”khu đô thị mới” nhưng có quy mô nhỏ dưới 20 ha nằm đan xen khắp các khu vực, đặc biệt là vùng ven đô.
Những thành tựu trong QHXD nêu trên là kết quả của việc đổi mới công tác QHXD, linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Vì vậy, nhiều QHXD đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới; đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm.
Hạn chế còn tồn tại trong công tác quy hoạch xây dựng
Một là, chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn xa, công tác phân tích và dự báo về thị trường còn thiếu tin cậy; tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện.
Hai là, các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội ở các tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hiện vẫn còn xảy ra tình trạng không đồng nhất giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chi tiết triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể, dẫn đến phải thay đổi nhiều lần.
Ba là, việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị chưa chú trọng đến hình thức thi tuyển. Hệ thống tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch từ trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Công tác đào tạo cán bộ quy hoạch chưa đúng tầm. Hiện nay cả nước chưa có cơ sở chuyên đào tạo chuyên gia cho công tác quy hoạch.
Một số bất cập trong công tác QHXD gây lãng phí tiền của và công sức.
Bốn là, việc lập và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn còn thiếu đồng bộ, dẫn đến các dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cũng không đồng bộ, xảy ra hiện tượng ”đào lên, lấp xuống” nhiều lần, triền miên, vừa làm nhiều tuyến phố xuống cấp ngày càng nhanh, trông nham nhở như những “tấm áo vá”, vừa gây lãng phí rất lớn tiền của, công sức.
Năm là, việc công bố, công khai và cung cấp thông tin QHXD chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 32, 33 Luật Xây dựng; Điều 53, 54, 55 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 38, 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP. Tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch theo quy định tại các Điều 20, 21 Luật Quy hoạch đô thị chưa được thực hiện có hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức, sự vụ, thủ tục, qua loa.
Sáu là, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch chưa được cân đối và bố trí đáp ứng yêu cầu như quy định tại Điều 42, 43, 44 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP. Kinh phí bố trí không đủ khả năng thuê tư vấn có trình độ cao trong nước hoặc tư vấn quốc tế. Vốn bố trí cho công tác quy hoạch còn quá nhỏ bé.
Bảy là, quản lý QHXD và quản lý đầu tư theo QHXD còn nhiều yếu kém, để xảy ra tình trạng nhiều dự án không tuân theo QHXD vì lợi ích cục bộ (như chuyển đổi đất từ quy hoạch là đất dành cho công trình công cộng thành đất để xây dựng công trình dịch vụ,…) làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng lâu dài không chỉ đối với một dự án mà là của cả một khu vực. Công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện theo quy hoạch đã duyệt nhìn chung còn buông lỏng.
Giải pháp cho quy hoạch xây dựng
Một là, công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Lập quy hoạch phải là một nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện trong chương trình phát triển kinh – tế xã hội cũng như trong nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của địa phương, của các ngành và các cấp chính quyền.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong tất cả các khâu, các bước triển khai: từ khâu điều tra, khảo sát, lập nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lập đồ án quy hoạch, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch.
Ba là, bảo đảm tính đồng bộ trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa QHXD với các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn; bảo đảm sự phối hợp tốt, có tính thống nhất cao, làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng sau này, tránh phá đi làm lại, tránh đào lên lấp xuống nhiều lần,… vừa trực tiếp gây lãng phí lớn, vừa ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống dân sinh khu vực do quá trình thi công gây nên.
Các giải pháp khắc phục giúp công tác QHXD diễn ra hiệu quả hơn.
Bốn là, ưu tiên bố trí vốn đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch, bảo đảm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được triển khai thực hiện và hoàn thành theo tiến độ, bảo đảm sứ mệnh ”đi trước” của quy hoạch.
Năm là, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ đối với cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thẩm định, quản lý quy hoạch.
Sáu là, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai và cung cấp thông tin QHXD theo quy định tại Điều 32, 33 Luật Xây dựng; Điều 53, 54, 55 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 38, 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP; lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch đô thị theo quy định tại các Điều 20, 21 Luật Quy hoạch đô thị.
Trên đây là bài viết tổng hợp những thông tin xoay quanh thực trạng của công tác quy hoạch xây dựng ở Việt Nam hiện nay. YouHomes mong rằng bạn đã có được thông tin bổ ích và cần thiết qua bài viết trên.
>>>>>>>>>> Luật quy hoạch đô thị
>>>>>>>>>> Mẫu hợp đồng thuê nhà